Với con người Trâu Langbiang

Trong đời sống

Với người Lạch, con trâu là tài sản quý giá nhất rồi mới đến chiêng, ché. Người Lạch nói riêng và các tộc người thiểu số Tây Nguyên nói chung xem trâu là con vật tổ hoặc vật chuẩn để quy đổi các sản vật, đánh giá mức giàu sang của mỗi gia đình, dòng họ. Trước kia nhiều người còn cà hàm răng trên cho giống với vật tổ. Trong những dịp lễ trọng, trâu được chọn để hiến tế cho thần linh, thay thế con người. Trâu làm thịt trong những dịp lễ tết, mừng thọ; trâu giúp người làm nhà, mua xe, mua sắm tiện nghi trong gia đình; trâu giúp con cái học hành.

Lễ vật để bắt chồng của sơn nữ Lạch thường là một con trâu lớn. Tuy nhiên muốn bắt chàng trai tài giỏi, được nhiều sơn nữ nhắm nhe thì lễ vật mà nhà gái phải trả cho nhà trai lên tới 4 - năm con trâu[2].

Tại Tây Nguyên có món ẩm thực nổi tiếng là thịt trâu nướng. Thịt trâu có màu đỏ sậm, thớ to, trong khi thịt bò có màu đỏ tươi, thớ nhuyễn. Những lát thịt trâu thái ra còn tươi rói được xếp ngay lên vỉ nướng chứ không cần tẩm ướp gia vị nào cả. Nướng đến độ rỉ mỡ trên bếp than hồng, miếng thịt trâu bóng lên loang loáng và tỏa một mùi thơm rất đặc trưng. Khi chín, những miếng thịt trâu Lang Biang không bị teo đi mà còn nở thêm ra. Thịt chín tới sẽ được ăn khi còn đang nóng hổi, bốc khói, không cần chấm gia vị.

Trong văn hóa, lễ hội

Bài chi tiết: Lễ hội đâm trâu

Nhiều cư dân bản địa ở vùng Trường Sơn, Bắc Tây Nguyên từ xưa đã nhận con trâu làm vật tổ trong tín ngưỡng tô tem (totemism) của mình. Con trâu có vai trò to lớn trong văn hóa, tín ngưỡng.

Tục giết trâu tế thần có từ thời thượng cổ, ngày nay vẫn còn ở một vài nơi như miền Tây Nguyên Việt Nam. Tại đây, tục đâm trâu, giết trâu tế Yàng là một tập tục lâu đời và thịnh hành trong nhiều dân tộc. Người Ba Na gọi lễ hội này là x'trǎng, người Cor gọi là xa-ố-piêu, người Gia Lai gọi là mnăm thu, người Lạch gọi là sa rơpu).

Nói riêng về trâu Langbiang và phong tục đâm trâu của người Lạch, già làng người Lạch có bài khóc trâu khi mở đầu buổi lễ “Từ lâu nay trâu sống cùng dân làng như cha mẹ, anh em. Nay để cho buôn làng được giàu có, yên vui, xin dâng trâu lên Yàng và các thần làm đồ tế lễ. Trâu vui lòng nhé! Ớ trâu! Ớ trâu!”, sau đó ra lệnh đâm trâu, lấy máu con trâu hiến tế bôi vào trán mọi người như một sự cầu phúc và cho xẻ thịt khao cả làng. Khách tham dự lễ hội cũng được chúc phúc và mời thưởng thức xâu thịt nướng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trâu Langbiang http://baodulich.com/index.php?do=news&act=detail&... http://vn.answers.yahoo.com/question/index?qid=200... http://dalattourist.net/modules.php?name=News&file... http://www.baobinhdinh.com.vn/564/2004/7/12213/ http://congan.com.vn/the-thao-van-hoa/van-hoa/ky-l... http://ihay.thanhnien.com.vn/mon-ngon/thom-ngao-ng... http://www.thuvienhaiphu.com.vn/tvso/library.exe?e... http://daidoanket.vn/PrintPreview.aspx?ID=22018 http://www.kontum.gov.vn/news/news.php?pageid=0000... http://www.quangngai.gov.vn/quangngai/tiengviet/ba...